Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Chùm thơ Tô Thành Tuyên



ANH TRAI TÔI        

              Kính tặng Anh Tô Tuyết 70 tuổi


Bao năm vất vả xa quê
Hết trường Hóa Chất ,lại về Bách Khoa
Chiến tranh, đất nước can qua
Bút nghiên xếp lại, anh ra chiến trường

Tới ngày giải phóng quê hương
Anh sống giản dị, đời thường như xưa

Nhớ xưa cắt cỏ, bắt cua
Bạn cùng cái cuốc, cái bừa, cái nơm
Làng quê thiếu áo, đói cơm
Anh mang rọ cá ra đơm đồng lầy
Cơm khoai ,cơm sắn tháng ngày
Đi bộ luyện học, chẳng tày đường xa
Đói nghèo rồi cũng đi qua
Đường quê nay đã xanh nhòa bóng cây
Những khi chén rượu ngà say
Vần thơ anh đọc nghe hay như kiều

Ngày thu nhớ những buổi chiều
Ròng dây cùng bạn thả diều bay cao…

Vùng quê lũ lụt năm nào
Rọ tre anh đánh ,luồn vào bèo tây
Cá rô bắt được giỏ đầy
Lại lo nước ngập bờ  cây ,lũ về….

Nay hưu nhà cửa đề huề
Vẫn không quên được vùng quê đồng lầy…

                     Hà Nội, tháng 01/2014

                            TÔ TUYÊN




NH M

Hôm nay con trở về quê
Thay áo cho mẹ .mẹ về người xưa
Nhớ ngày mắm tép rau dưa
Nhớ từ cái cuốc, cái bừa, cái nơm
Mất mùa gầy xác cây rơm
Đĩa xôi giỗ tổ mẹ đơm vẫn đầy
Đói no rau cháo qua ngày
Thắt lưng mẹ buộc cứ hằn vào da
Cái nghèo đằng đẵng đi qua
Đồi xim nay phủ vải na  ngút  ngàn

Nén nhang khói cuộn mênh mang
Rưng rưng dòng lệ hai hàng …Mẹ ơi
           

Đông Hưng, Lục Nam, Bắc Giang, ngày 21/12/2002
               
                TÔ THÀNH TUYÊN








ANH TÔI




ANH TÔI

Kính viếng hương hồn
Anh Nguyễn Văn Lệ

Em về thắp nén tâm hương
Hiu hiu ,bảng lảng ,khói sương anh về
Cái chân giả vương bùn quê
Dáng đi cà nhắc ‘’đề huề’’ như xưa…

Anh nằm dưới cỏ, xim mua
Vải nhãn trĩu quả ,đung đưa ngọt ngào
Núi đồi trùng điệp lao xao
Đất thiêng ôm trọn anh vào quê hương

Một chân gửi lại chiến trường
Bạn Lào gom lượm bên đường –mồ chung

Thời thanh xuân anh vẫy vùng
Đánh Điện Biên Phủ kiên trung dẫn đầu ‘1’
Núi rừng Tây bắc hiểm sâu
Thượng Lào tiễu phỉ cứng đầu Vàng Pao…

Thương binh bước thấp bước cao
Về quê anh lại tìm vào rừng xanh
Vợ con ,họ mạc thương anh
Một nhà xa cách ,nay thành đoàn viên
Đói no con hiếu, vợ hiền
Vết chân tròn lại mọc lên sắn bùi

Nhớ anh ,em những ngậm ngùi
Lỡ đò nửa mếu ,nửa vui –bến Hàn
Đêm đông rét buốt tận gan
Ba chân vừa đủ trong làn tải gai…’2’

Anh nằm đây phỉ chí trai
Song song mộ chị kề vai chẳng lìa

Cái chân ở chiến trường kia
Bạn Lào hương khói từ khi …anh còn

                       
                        11/2011
                         
                        TÔ TUYẾT
Ghi chú;
1-Nhập ngũ 1952 .Tham gia chiến dịchĐiện Biên Phủ 
1954 Sau đó tiễu phỉ ở Lào và bị thương cụt chân ở Lào
2-Bến đò Hàn gần Tp Hải Dương,Thời chống Mỹ bến đò
rất sơ sài .Nhá nhem tối đò ngừng chở .Anh em tôi lỡ đò,
đêm đông giá rét.Hai anh em chỉ có một bao tải gai chứa
đủ ba chân chống rét.Anh cười nói:’’may quá tôi cụt 1 chân
nếu không anh em mình lại nhường nhau suốt đêm thì
khổ…’’




ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ HÌNH ẢNH
NGƯỜI THƯƠNG BINH TRONG BÀI
THƠ ‘’ANH TÔI ‘’CỦA TÔ TUYẾT


Nhà giáo Đỗ Đình Hòe


 Hình ảnh những người thương binh trong chiến  tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước luôn hiện lên đẹp đẽ và giầu tinh thần chiến đấu hy sinh trong nhiều bài thơ ,nhất là những bài thơ của các tác giả là Cựu chiến binh .Hình ảnh của người thương binh trong bài thơ ‘’Anh tôi’’của tác giả Tô Tuyết ngoài cái đẹp chung còn có những nét riêng với tình tiết độc đáo và có tính biểu hiện cao đó trước hết là người chiến sĩ quân đội xông pha bom đạn trên nhiều chiến trường,đối với nhiều kẻ thù ,với muôn vàn khó khăn gian khổ  ngay  từ thời trai trẻ;

            Thời thanh xuân anh vẫy vùng
            Đánh Điện Biên Phủ kiên trung dẫn đầu
            Núi rừng Tây Bắc hiểm sâu
            Thượng Lào tiễu phỉ cứng đầu Vàng Pao

         Trong cuộc chiến đấu ác liệt ấy ,anh đã để lại một phần thân thể trên đất bạn Lào;

            Một chân gửi lại chiến trường
            Bạn Lào gom lượm bên đường –mồ chung

         Chiến tranh qua đi, hòa bình trở lại,thực hiện lời dạy của Bác Hồ ‘’Thương binh tàn nhưng không phế’’ anh lại tiếp tục chiến đấu trên mặt trận mới, lao động sản xuất xây dựng quê hương;

            Thương binh bước thấp bước cao
            Về quê anh lại tìm vào rừng xanh
            ….
Đói no ,con hiếu ,vợ hiền
Vết chân tròn lại mọc lên sắn bùi

    Hình ảnh mang tính ẩn dụ;’’Vết chân tròn lại mọc lên sắn bùi’’ diễn tả rất sâu sắc súc tích quá trình lao động gian khổ để có hạt gạo ,củ sắn cho cuộc sống .Đằng sau vết chân tròn ấy là biết bao mồ hôi công sức người thương binh đã đổ ra trong thời bình. Với lối kể chuyện chân thực,Tô Tuyết cũng khá thành công khi diễn tả cảm súc của mình về người anh , người thương binh trong cuộc sống.Đó là lòng yêu quý ,kính trọng, nhớ thương da diết;

            Em về thắp nén tâm hương
            Hiu hiu bảng lảng,khói sương anh về

            Hình ảnh người thương binh hiện ra thật  chân thực mang nét đẹp riêng;Cái chân giả dính đầy bùn đất do lao động không ngừng. Cụt một chân mà khi đi dáng vẫn ‘’đề huề’’ thì chỉ còn người giầu nghị lực rèn luyện, lạc quan, quen với vất vả mới có được;

            Cái chân giả vương bùn quê
            Dáng đi cà nhắc ‘’đề huề’’ như xưa
            Đặc biệt xúc động là kỷ niệm về một chuyến đi ;
            Nhớ anh em những ngậm ngùi
            Lỡ đò nửa mếu ,nửa vui –Bến Hàn
            Đêm đông rét buốt thấu gan
            Ba chân vừa đủ trong làn tải gai

      Tác giả đã chọn được hình ảnh đắt giá và độc  đáo ;Hai người chỉ còn ba chân, trong đó có một chân còn lại của người thương binh ,vừa đúc trong  một bao tải gai chống rét .Suốt đêm đông giá rét tiếng cười của họ thật sảng khoái ‘’May quá tôi chỉ còn một chân, nếu không anh em ta lại phải nhường nhau suốt đêm thì khổ….’’Chỉ có những người tràn đầy tinh thần lạc quan, yêu đời, luôn tự hào về sự hy sinh mất mát của mình mới có thể có được ý nghĩ trong sáng như vậy. Câu kết của bài thơ cũng rất hàm súc:

            Anh nằm đây phỉ  chí trai
            Song song mộ chị kề vai chẳng lìa
            Cái chân ở chiến trường kia
Bạn Lào hương khói từ  khi anh …còn

        Hình ảnh rất giầu tính biểu tượng.Sự chung thủy   trọn vẹn nghĩa tình là tính cách của anh. Anh đã không tiếc máu xương chiến đấu với tinh thần quốc tế cao cả. Đã để lại một phần cơ thể trên đất bạn. Các bạn Lào cũng không quên, luôn hương khói cho phần cơ thể của anh. Nếu phải chọn một hình ảnh nào biểu trưng cho tình bạn chiến đấu thủy chung Việt Lào, thì đây là một hình ảnh đẹp. Thơ giản dị nhưng có sức truyền cảm mạnh mẽ là như vậy.

            Bài thơ tuy còn đôi chỗ chưa trọn vẹn trong cách bố cục , sử dụng vần điệu, dùng từ…nhưng vẫn là một trong những điểm sáng của tập thơ.Đó là một nén tâm nhang thắp lên tưởng niệm cho những người con đã hy sinh vì Tổ quốc, vì tình bạn quốc tế  Việt Lào mẫu mực thủy chung.